Web lậu dùng 20 tên miền để tránh bị chặn

Trang xoilac… chuyên chiếu lậu bóng đá bị phát hiện có 20 tên miền, có thể đổi sang tên mới chỉ sau 5 phút bị chặn, khiến việc xử lý giống như “rượt đuổi”.

Tại họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 6/9, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền vẫn xuất hiện nhiều trên không gian mạng, đặc biệt trong lĩnh vực bóng đá, như ở các giải đấu lớn hoặc trận có đội tuyển Việt Nam.

Lấy ví dụ với giải Ngoại hạng Anh, chỉ sau bốn vòng đấu đầu tiên, cơ quan chức năng phát hiện 239 trang web phát trái phép, trong đó 39 trận được livestream miễn phí thông qua 3.213 đường link. Chủ trang đa phần lấy lại nội dung từ các đơn vị được cấp bản quyền như K+, FPT, TV360, MyTV.

Ông Do nhấn mạnh website có tên xoilac… đã vi phạm nghiêm trọng và trắng trợn nhất, khi sử dụng 20 tên miền khác nhau và một trận đấu có thể thu hút hơn 100 nghìn lượt xem trực tiếp. “Khi nhà mạng chặn các trang web lậu này, họ đổi địa chỉ IP, đổi tên miền rất nhanh, chỉ mất 5-10 phút và tiếp tục livestream”, ông Do nói.

Ông Lê Quang Tự Do phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thảo Anh
Ông Lê Quang Tự Do phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thảo Anh

Theo ông, Việt Nam được ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh, thông qua đối tác trong nước, đánh giá “là một trong những nước bảo vệ bản quyền giải tốt nhất”. Tuy nhiên, ông nhận định thực tế việc ngăn chặn vi phạm “vẫn chưa được như kỳ vọng”.

Về mặt kỹ thuật, ông cho biết việc chặn không khó, nhưng sẽ cần nhiều người túc trực suốt trận đấu để phát hiện tên miền mới lập và xử lý. Ông cho biết đây là “cuộc chiến cam go” và đang tìm các biện pháp mới về công nghệ, các giải pháp “chặn đuổi” nhằm giải quyết hiệu quả hơn.

Ngoài ra, chủ website bóng đá lậu sẽ không dừng ở việc bị xử lý hành chính, mà sẽ đối mặt với biện pháp cao hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an để thực hiện việc này.

Cục cũng cho rằng vấn đề có thể được giải quyết từ phía người dùng. Theo ông Do, nếu người dân còn ủng hộ web lậu, những đơn vị kinh doanh nội dung bản quyền sẽ chịu thiệt hại. “Trước đây, từng có trường hợp nhà cung cấp dịch vụ truyền hình dừng mua bản quyền và người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người tiêu dùng”, ông nói.

Người dùng đang xem livestream bóng đá trên một website. Ảnh: Hoàng Giang
Người dùng đang xem livestream bóng đá trên một website. Ảnh: Hoàng Giang

Tình trạng livestream lậu các nội dung có bản quyền xuất hiện tại Việt Nam từ nhiều năm qua. Bên cạnh đó, các chuyên gia an ninh mạng cho biết web bóng đá lậu còn tồn tại các vấn đề như môi giới cờ bạc, dịch vụ phạm pháp, dụ người xem tải xuống phần mềm độc hại. Giao diện trang thường dày đặc quảng cáo, các khung pop-up hiện ra bất ngờ khiến người dùng ấn nhầm khi muốn theo dõi tiếp. Trước đây, xoilac… từng đặt quảng cáo cho trang “worldcup20”, nhưng thực chất là một nền tảng phát tán mã độc.

(vnexpress)