Những công nghệ bị ‘khai tử’ trong năm 2023

Sự biến mất đột ngột của thương hiệu Twitter, hay ‘cái chết’ được dự báo từ lâu của cổng Lightning là những ví dụ điển hình cho các công nghệ quan trọng bị khai tử trong năm nay.

1. Thương hiệu Twitter

Là một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới, Twitter đột ngột biến mất chỉ sau một đêm theo quyết định của ông chủ Elon Musk. Về cơ bản, mạng xã hội này đổi tên thành X nhưng thương hiệu Twitter và chú chim xanh quen thuộc, tồn tại hơn 10 năm đã bị khai tử. Cũng trong năm nay, tính năng Twitter Circles ra mắt và nhanh chóng biến mất một cách đáng tiếc. Ảnh: Mashable.

Twitter

2. Kính Google Glass AR

Hơn một thập kỷ trước, Google Glass được kỳ vọng trở thành một loại kính thông minh, cho phép người dùng thu thập thông tin và truy cập Internet dễ dàng như trong các bộ phim viễn tưởng. Tuy nhiên, thiết bị thực tế gặp phải vô số vấn đề bao gồm thời lượng pin ngắn, lo ngại về quyền riêng tư và mức giá cao (1.500 USD). Sau một lần tạm ngưng sản xuất và giới thiệu lại với một số thay đổi, Google chính thức tuyên bố “khai tử” dự án này vào giữa tháng 3. Ảnh: X Company.

glass enterprise 2

3. Cổng Lightning

Việc Lightning “nghỉ hưu” đã được chờ đợi từ lâu. Sau hơn 10 năm, kết nối này đã tỏ ra lạc hậu và kém tiện lợi so với USB-C. Sau khi châu Âu chính thức thông qua quy định bắt buộc tất cả điện thoại dùng kết nối mới, toàn bộ dòng iPhone 15 ra mắt vào tháng 9 đều được trang bị cổng USB-C, chính thức đánh dấu việc Apple ngừng ra mắt thiết bị mới có cổng Lightning. Ảnh: Shutterstock.

Lightning

4. Dịch vụ phân phối DVD của Netflix

Sau 25 năm, hoạt động kinh doanh DVD của Netflix đã nói lời tạm biệt trong năm nay. Công ty chính thức chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh sang phát trực tuyến. Các DVD cuối cùng được phát hành vào tháng 9. Động thái này diễn ra khi các nhà bán lẻ truyền thống giảm quy mô tồn kho DVD. Vào tháng 10, Best Buy cho biết sẽ chấm dứt bán đĩa DVD và Blu-ray vào năm 2024. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể mua đĩa từ nhiều nhà cung cấp khác. Vẫn còn một bộ phận khách hàng trung thành, chưa sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn DVD hoặc tìm mua với mục đích sưu tầm. Ảnh: 9to5mac.

5. Trợ lý ảo Cortana

Vào tháng 6, Cortana trở thành “nạn nhân” mới nhất của làn sóng AI bùng nổ trong khoảng 2 năm qua. Trợ lý giọng nói của Microsoft chưa thực sự gây được tiếng vang so với Alexa (Amazon) hay Siri (Apple). Với sự ra mắt của Bing Chat (nay là Copilot), Microsoft đã loại bỏ Cortana khỏi danh sách ứng dụng tích hợp trên Windows. Ảnh: Microsoft.

Cortana

6. Amazon Halo

Một số công nghệ thậm chí bị khai tử khi chưa bao giờ có cơ hội phổ biến. Đó là trường hợp của dòng thiết bị thể dục Halo của Amazon. Thương hiệu này đã bán 3 thiết bị gồm Halo Band, Halo View và Halo Rise. Bên cạnh các tính năng cơ bản như theo dõi hoạt động thể dục, giấc ngủ, báo thức thông minh, dòng sản phẩm của Amazon không có những chức năng chăm sóc sức khoẻ, thể chất tiên tiến như đối thủ từ Fitbit và Apple Watch. Cùng với đó, ra mắt trong một thị trường bão hoà, có tính cạnh tranh cao Amazon Halo không tìm được chỗ đứng, buộc phải rút lui. Ảnh: Shutterstock.

Halo

7. Triển lãm E3

Triển lãm E3
Triển lãm E3

Triển lãm trò chơi thường niên của Hiệp hội Phần mềm Giải trí (ESA) lụi tàn kể từ năm 2020, khi đại dịch buộc các nhà tổ chức phải hủy bỏ sự kiện. Những cố gắng sau đó nhằm tổ chức lại E3 đều không thành công khi các studio lớn lựa chọn việc tổ chức giới thiệu riêng. ESA chính thức thông báo ngừng hoàn toàn kể từ lần ra mắt đầu tiên vào năm 1995. Sau hơn 2 thập kỷ, thị trường trò chơi điện tử đã có nhiều thay đổi. Điều này khiến cho sự kiện lớn nhất của ngành game không còn chỗ đứng. Ảnh: ESA.

(ZNews)