Nga đề xuất cấm khai thác tiền điện tử

Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất cấm khai thác tiền điện tử trên lãnh thổ nước này do lo ngại về an ninh năng lượng. Đề xuất được đưa ra hôm 20/1 trong bối cảnh nhiều quốc đang có những chính sách cứng rắn hơn trong việc quản lý hoạt động khai thác và giao dịch tiền số.

Theo Reuters, Nga là quốc gia lớn thứ ba thế giới về khai thác Bitcoin, sau Mỹ và Kazakhstan. Dù một lượng lớn “thợ đào” đã chuyển đi hồi đầu tháng, đây vẫn được coi là thiên đường với các mỏ khai thác tiền mã hóa.

Bitcoin và các loại tiền điện tử khác được khai thác bởi các dàn máy đào mạnh và liên tục tiêu tốn điện và nhiên liệu hóa thạch. Điều này có thể gây nguy cơ tiềm ẩn về an ninh năng lượng của quốc gia. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, giải pháp tốt nhất là đưa ra lệnh cấm khai thác tiền điện tử.

Bitcoin Nga 8043 1642761207
Bên trong một mỏ khai thác Bitcoin lớn bậc nhất nước Nga. Ảnh: Bloomberg

Vào tháng 8/2021, Nga chiếm 11,2% hashrate toàn cầu – thuật ngữ chỉ sức mạnh tính toán được sử dụng bởi các hệ thống khai thác tiền số. Công ty BitRiver, có trụ sở tại Moskva và chuyên điều hành các trung tâm dữ liệu về thợ đào Bitcoin, cho biết họ hy vọng đề xuất trên không thành hiện thực. Nga cũng đang lên kế hoạch phát hành đồng rúp kỹ thuật số, nên tài sản tiền điện tử có thể sẽ trở nên phổ biến trong tương lai.

Elizaveta Danilova, đứng đầu bộ phận ổn định tài chính của Ngân hàng Trung ương Nga, cho biết đề xuất không nhắc đến việc cấm sở hữu tiền điện tử. Nga đang là một trong những nước có tỷ lệ người sở hữu tiền điện tử cao, giao dịch hàng năm ước tính khoảng 5 tỷ USD.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương cũng đề cập lệnh cấm các sàn giao dịch. Đại diện Binance nói với Reuters rằng họ sẽ làm việc chặt chẽ với cơ quan quản lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dùng ở nước này.

Từ giữa năm 2021, Trung Quốc ra lệnh cấm khai thác và giao dịch tiền điện tử, buộc các trang trại phải đóng cửa và chuyển máy đào ra nước ngoài. Đầu năm nay, Singapore – nơi được cho là cởi mở với tiền điện tử – cũng cảnh báo người dân về rủi ro liên quan. Ngày 17/1, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) ban hành hướng dẫn, hạn chế các nhà cung cấp dịch vụ giao dịch tiền số quảng bá dịch vụ cho công chúng. Hai ngày sau, các ATM Bitcoin ở nước này cũng bị gỡ bỏ. Một số quốc gia khác như Tây Ban Nha, Anh cũng ra các quy định tương tự Singapore về hoạt động quảng cáo, giao dịch và khai thác tiền số.

Theo Financial Times, một số nơi như Kazakhstan thậm chí gặp khủng hoảng năng lượng do hoạt động khai thác Bitcoin. Tháng trước, ba nhà máy nhiệt điện quan trọng của Kazakhstan phải ngừng khẩn cấp do quá tải. Để hạn chế, chính phủ nước này đã siết chặt quản lý với việc đào Bitcoin và một số trang trại lớn buộc phải ngừng hoạt động. Didar Bekbau, CEO công ty Xive, cho biết họ phải dừng 2.500 máy đào vì thiếu điện.

Việc thiếu hụt năng lượng do khai thác Bitcoin không chỉ xảy ra tại Kazakhstan. Hồi tháng 5/2021, Iran cấm khai thác tiền điện tử trong bốn tháng để ngăn tình trạng mất điện thường xuyên tại quốc gia này. Cuối năm ngoái, Kosovo ra lệnh cấm khai thác tiền mã hóa nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng tại nước này, khiến nhiều chủ trang trại phải bán tháo thiết bị đào Bitcoin.

(vnexpress)