Năm ăn nên làm ra của thương mại điện tử

Dịch Covid-19 được ví như “chất xúc tác” giúp thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh trong năm 2021. Các sàn bán hàng trực tuyến liên tục ghi nhận sức mua tăng cao.
Những tháng cuối năm, nhiều sàn thương mại điện tử tung hàng loạt chương trình khuyến mại nhân các “ngày đôi” như 9/9, 10/10, 11/11, Black Friday đến 12/12… Kéo theo đó, doanh thu và số đơn đặt hàng của các sàn tăng trưởng đều đặn.

“Dữ liệu gần đây nhất của chúng tôi về các ngày hội mua sắm cho thấy những ngày này luôn là thời điểm bán lẻ quan trọng tại Việt Nam ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”, ông Steven Tuấn Nguyễn, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á của Criteo, chia sẻ.

11.11tmdt
Các sàn thương mại điện tử đều “đua” sale cuối năm với nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Minh Khánh.

Những con số kỷ lục

Có thể nói, 2021 là một năm bùng nổ của thị trường thương mại điện tử trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Kết thúc dịp sale 11/11 vừa qua, đại diện Shopee cho biết đã thiết lập 2 kỷ lục mới.

Cụ thể, hơn 2 tỷ mặt hàng đã được bán ra, phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào năm 2020, đồng thời số người dùng truy cập vào nền tảng tăng gấp 5,5 lần so với ngày thường. Nhiều nhà bán hàng địa phương ghi nhận mức tăng trưởng mạnh với lượng đơn hàng tăng gấp 18 lần trong lần đầu tiên tham gia lễ hội mua sắm này.

Tiki cũng đánh giá đây là chương trình thành công nhất của doanh nghiệp từ trước đến nay với kỷ lục tăng trưởng chưa từng có. Doanh số bán hàng năm nay tăng 9 lần với số đơn hàng tăng gấp nhiều lần, lượng khách hàng mua sắm tăng gấp 2 lần so với ngày thường.

Trong khi đó, đại diện Lazada cho biết doanh thu và số đơn đặt hàng trên toàn sàn tăng gấp 2 lần so với năm 2020. Số lượng thương hiệu và nhà bán hàng tham gia cũng tăng gấp 1,5 lần.

Thực tế, nhìn vào “bản đồ” thương mại điện tử Việt Nam do iPrice thực hiện, chỉ xét riêng kênh website, các doanh nghiệp đã ghi nhận tăng trưởng so với năm ngoái, đặc biệt là Shopee và Lazada. Shopee được iPrice nhận xét là đối thủ khó vượt mặt khi chiếm 57% trong tổng số lượt truy cập website trên tất cả sàn thương mại điện tử đa ngành.

Còn với Tiki, doanh nghiệp này cho biết đã duy trì mức tăng trưởng 2 con số gần 2 năm qua. Quý III, sàn này ghi nhận tăng trưởng đột phá ở nhiều sản phẩm và dịch vụ.

Cụ thể, mảng thực phẩm tươi sống TikiNGON thiết lập kỷ lục tăng trưởng 2.000% so với cùng kỳ, trong khi số hội viên sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh TikiNOW 2 giờ tăng gấp 3 lần, còn khối lượng hàng hóa của dịch vụ giao hàng và lắp ráp theo lịch hẹn TikiPRO cũng tăng khoảng 150%.

Đầu tháng 11 vừa qua, doanh nghiệp đã vượt qua vòng đầu tư thứ 5 với 258 triệu USD từ AIA, Mirae Asset – Naver Asia Growth Fund, Taiwan Mobile, Yuanta Fund và STIC Investments.

Báo cáo e-Conomy SEA 2021 được Google, Temasek và Bain & Company công bố mới đây cho biết thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 13 tỷ USD trong năm nay. Quy mô thị trường ước tính tiếp tục tăng trưởng 32%, đạt 39 tỷ USD trong năm 2025 và được kỳ vọng trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.

Trong khi đó, thị trường Malaysia được dự báo mức tăng 8% và đạt 19 tỷ USD, còn thị trường Thái Lan ước đạt 35 tỷ USD với mức tăng 14%. Đại diện iPrice gọi Việt Nam là một trong những “ngôi sao” trong thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á.

Lý giải sự tăng trưởng ngoạn mục

Hồi cuối tháng 11, tại họp báo Tuần lễ mua sắm trực tuyến và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2021, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoài Hải đã đánh giá Covid-19 là chất xúc tác giúp thương mại điện tử phát triển nhanh, mạnh hơn.

Ông ước tính trong giai đoạn dịch vừa qua, dù bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội, thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn tăng trưởng khoảng 18%.

6.2 zing
Ngày càng nhiều người Việt Nam chọn mua hàng trực tuyến, thay vì mua hàng trực tiếp. Ảnh: Phạm Ngôn.

“Hiếm nước nào trong khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử tăng trưởng 2 con số trong đại dịch”, ông Hải đánh giá.

Khi cho ra đời sản phẩm thẻ tín dụng mới hỗ trợ cho các giao dịch mua sắm trực tuyến hồi cuối tháng 10, đại diện HSBC nhấn mạnh: “Với dân số hơn 97 triệu người vào năm 2020 và tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh bậc nhất Đông Nam Á, Việt Nam nổi lên như một thị trường thương mại điện tử đầy hứa hẹn”.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 càng góp phần thúc đẩy ngành này tăng trưởng nhanh hơn với nhiều khách hàng truyền thống bắt đầu làm quen với trải nghiệm tiện lợi của mua sắm trực tuyến. Nếu 2020 là năm người tiêu dùng “làm quen” với giãn cách xã hội, mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc, thì năm nay là thời điểm chín muồi để thương mại điện tử bùng nổ.

Trong bối cảnh người tiêu dùng dành hầu hết thời gian ở nhà, nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng tại các nước Đông Nam Á cho thấy quá trình chuyển dịch từ cửa hàng vật lý sang các nền tảng thương mại điện tử diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng vài tháng.

Sự chuyển đổi này tạo ra lợi thế cho dịch vụ giao hàng tận nhà khi có đến 87% người tiêu dùng Việt được khảo sát đang sử dụng dịch vụ này và 82% trải nghiệm dịch vụ lần đầu tiên từ khi Covid-19 xuất hiện. Theo đó, trong số 10 đơn hàng thì có đến gần 6 đơn hàng được giao đến nhà, tăng gấp 20 lần so với trước đại dịch.

Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho biết đến nay, hơn một nửa dân số Việt Nam đã tham gia mua sắm trực tuyến.

“Người tiêu dùng ngày càng hứng thú hơn với sự tiện lợi của hình thức mua sắm trực tuyến. Việc sử dụng thanh toán trực tuyến thường xuyên hơn khiến họ nhận ra sự an toàn và đơn giản của các hình thức này. Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năng lực kỹ thuật số và có những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử”, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp thương mại điện tử càng tích cực đưa ra chiến lược cạnh tranh. Từ hoạt động tiếp thị đa kênh với sự hỗ trợ của những người nổi tiếng ở trong nước và quốc tế, các sàn cũng đẩy mạnh “shoppertainment (kết hợp giữa mua sắm và giải trí) thông qua các chương trình đại nhạc hội, livestream và game tương tác…

Bên cạnh đó, khâu logistics cũng ngày càng được chú trọng khi các sàn rút ngắn thời gian giao hàng ở mức giá hợp lý, đầu tư vào tự động hóa, ứng dụng robot vận chuyển nhằm nâng cao năng lực vận hành kho vận.

(Zing)