Huawei giảm phụ thuộc công nghệ Mỹ như thế nào

Huawei đã nộp đơn đăng ký sáng chế về quy cách đóng gói chip, cũng như chi hàng tỷ USD cho R&D để hạn chế phụ thuộc công nghệ Mỹ.

Trong báo cáo tài chính công bố cuối tháng 3, doanh thu năm 2021 của Huawei đã giảm 29% xuống còn 99,8 tỷ USD do ảnh hưởng từ các lệnh cấm của Mỹ. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của hãng cán mốc 17,85 tỷ USD, tăng 75,9% so với năm trước đó. “Dù doanh thu sụt giảm, năng lực tạo lợi nhuận và dòng tiền của chúng tôi đang tăng lên. Năng lực đối phó với tương lai bất ổn cũng tăng đáng kể”, bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính Huawei, cho biết.

Xây dựng quy trình đóng gói chip mới

Ngày 7/4, Huawei nộp đơn đăng ký sáng chế liên quan đến quy trình đóng gói chip mới lên Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc. Theo mô tả, đây là quá trình “xếp chồng chip lên một gói” thế hệ mới, với mục tiêu giải quyết vấn đề chi phí cao so với quy cách đóng gói chip silicon dạng TSV thông thường, đồng thời tiết kiệm điện năng hơn.

Đóng gói chip là bước cuối trong sản xuất bán dẫn trước khi chúng được gắn vào bảng mạch in và lắp ráp vào thiết bị điện tử. Quá trình này gồm việc ghép nhiều bóng bán dẫn vào một khối silicon duy nhất. Càng nhiều bóng bán dẫn, khả năng tính toán và xử lý sẽ càng tốt hơn.

TSV đã được đưa vào sản xuất chip khối lượng lớn trong suốt thập kỷ qua. Theo IEEE, công nghệ này cho phép các chip chồng lên nhau có thể kết nối với nhau thông qua tiếp xúc trực tiếp, cung cấp khả năng xử lý tín hiệu và hình ảnh tốc độ cao. Dù có nhược điểm là chi phí sản xuất khá cao, đến nay TSV vẫn là công nghệ chủ đạo trong bán dẫn, chưa thể bị thay thế.

2020081861 3300 1649408921
Bên ngoài trụ sở Huawei ở Thâm Quyến. Ảnh: Reuters

Nỗ lực mới nhất của Huawei nhằm đáp lại lời kêu gọi của ngành bán dẫn Trung Quốc liên quan đến công nghệ đóng gói và lắp ráp chip tại Hội nghị Bán dẫn Thế giới tổ chức ở thành phố Nam Kinh tháng 6 năm ngoái. Nhưng quan trọng hơn, điều này có thể giúp công ty giảm bớt sự gián đoạn do lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ tháng 5/2019.

Tại cuộc họp thường niên đầu tháng này, Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei, nhấn mạnh sẽ sử dụng công nghệ đóng gói chip tiên tiến nhằm giảm bớt tác động từ các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ. Đầu năm nay, hãng đã hợp tác với Quliang Electronics – công ty chuyên đóng gói chip có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến – để thử nghiệm quy cách mới. Ngoài ra, hãng cũng được cho là đã đầu tư dồn dập vào các dự án chip trong ba năm trở lại đây.

Tuy nhiên, Huawei vẫn có thể gặp những khó khăn lớn. Công ty chỉ có thể xây dựng và thiết kế chip, trong khi sản xuất ra chúng lại là vấn đề khác. “Khó khăn chính mà hãng sẽ gặp phải về bán dẫn là chip tiên tiến không thể được sản xuất vì các hạn chế về thiết bị và xưởng đúc. Trong khi đó, những nơi sản xuất được lại sử dụng công nghệ Mỹ”, Wang Min, chuyên gia về công nghệ đóng gói chip, nói với SCMP.

Đẩy mạnh R&D

Xuất phát điểm là một công ty nhỏ tại Thâm Quyến, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nhiều lần nhấn mạnh sức mạnh của công ty phải từ nội tại. Thực tế, sau khi bị Mỹ cấm vận, hầu hết mảng kinh doanh của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đều đi xuống. Ví dụ, trong năm 2021, mảng smartphone giảm một nửa doanh thu xuống còn 243,4 tỷ nhân dân tệ (38,1 tỷ USD).

Đứng trước thách thức đó, Huawei đã chọn cách sống chung với các hạn chế và đổ tiền vào nghiên cứu phát triển để tìm hướng đi mới. Hàng năm, công ty vẫn dành hơn 10% doanh thu, tương đương 15-20 tỷ USD, cho R&D. Nhưng riêng năm qua, con số này tăng lên 22,5 tỷ USD, chiếm 22,4% doanh thu tập đoàn. Trong một thập kỷ, số tiền hãng đổ vào lĩnh vực này cũng đạt tổng cộng 133 tỷ USD.

Huawei cũng là một trong số ít doanh nghiệp công nghệ có số nhân viên R&D chiếm quá nửa, với hơn 100.000 người tham gia bộ phận nghiên cứu và phát triển.

Nhờ đó, Huawei luôn nằm trong số những công ty có nhiều sáng chế nhất. Theo số liệu của công ty nghiên cứu incoPat tại Bắc Kinh, năm 2020, tập đoàn viễn thông Trung Quốc này đã nộp 8.607 bằng sáng chế về công nghệ không dây, cao hơn so với 5.807 của Qualcomm và 5.353 của Oppo.

Giới quan sát nhận định, việc đầu tư vào R&D là sự tính toán mang tính lâu dài, chưa thể mang lại hiệu quả lập tức. Để thành công, Huawei sẽ cần thêm nhiều năm, thậm chí hàng chục năm để hiện thực hóa chiến lược của mình. Còn trước mắt, công ty vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. “Khi Mỹ vẫn nắm hầu hết công nghệ chủ chốt như hiện nay, Huawei chỉ có thể phát triển ở phần ngọn. Điều này thiếu đi tính bền vững”, một chuyên gia nói với Nikkei Asia.

Tuy vậy, thực tế Huawei vẫn là cái tên hàng đầu về viễn thông. Các sáng chế về chuẩn 5G, Wi-Fi 6 và H.266 của họ hiện được nhiều nơi áp dụng. Hãng cũng đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Đầu tư R&D công nghiệp châu Âu 2021 công bố cuối năm ngoái.

“Khi không tiếp cận được những công nghệ tiên tiến, chúng ta sẽ tự sáng tạo ra nó”, ông Guo Ping nói.

Theo ông Ping, Huawei đặt mục tiêu tạo thành một công ty đa ngành, bằng cách củng cố mô hình “quân đoàn” để tăng doanh thu. Ngày 4/4, hãng công bố thành lập 10 quân đoàn mới, nâng tổng số đội ngũ chuyên gia lên 15. Các nhóm này sẽ phụ trách những lĩnh vực như số hóa ngành năng lượng, dịch vụ công một cửa, đường sắt và hàng không, phương tiện tương tác, thể dục và sức khỏe, công nghệ chip cho hiển thị, mạng máy tính và nền tảng trung tâm dữ liệu.