Sàn tiền số Việt bị tấn công từ lỗ hổng ‘lớn nhất thập kỷ’

Lỗ hổng Log4Shell cùng sai sót trong cấu hình của Onus bị hacker khai thác, gây rò rỉ dữ liệu của gần hai triệu người đầu tư tiền điện tử.

Quá trình tấn công vào hệ thống của Onus được CyStack – đối tác bảo mật bảo mật và an ninh mạng của nền tảng này – công bố tối 28/12. Theo đó, dữ liệu của hai triệu người dùng bị rao bán trên mạng ngày 25/12, nhưng vụ tấn công được bắt đầu tiến hành từ trước đó hai tuần, hôm 11/12.

Đây cũng là lúc lỗ hổng “lớn nhất thập kỷ” Log4Shell được công bố. Theo giải thích của các chuyên gia, hacker đã khai thác lỗ hổng nguy hiểm này để thâm nhập vào Cyclos – công cụ thanh toán được liên kết với Onus, từ đó có được mã khóa để truy cập vào hệ thống lưu trữ của nền tảng này. Các đơn vị liên quan đã thực hiện vá lỗi, nhưng chậm hơn hacker một bước, đồng thời có sai lầm trong việc cấu hình, nên tạo điều kiện để hacker truy cập được vào toàn bộ cơ sở dữ liệu của người dùng.

onus 8384 1640717705
Hacker khai thác dữ liệu người dùng của dự án Onus từ lỗ hổng Log4Shell. Ảnh: Lưu Quý

Đến ngày 14/12, Cyclos thông báo tới Onus về lỗ hổng trên kèm hướng dẫn khắc phục. Tuy nhiên khi đó, kẻ tấn công đã kịp để lại “cửa hậu” trên hệ thống này, từ đó tìm được tới một tệp tin quan trọng chứa tài khoản truy cập hệ thống lưu trữ.

Onus sử dụng hệ thống lưu trữ Bucket S3 do Amazon Web Services cung cấp. Theo các chuyên gia bảo mật, ngoài việc khắc phục lỗ hổng chậm một bước, Onus còn mắc “sai lầm nghiêm trọng” khi lưu khóa truy cập toàn quyền trong tệp tin nói trên, giúp kẻ tấn công tùy ý thao túng và dễ dàng xóa toàn bộ dữ liệu trong các Bucket S3.

Trả lời VnExpress qua email, hacker vndcio xác nhận quá trình tấn công trên, trong đó việc khai thác xuất phát từ lỗ hổng Log4Shell. Trong bài rao bán dữ liệu, tài khoản vndcio cũng cho biết đã xóa toàn bộ các tệp tin trên ở máy chủ của Onus khiến dự án này phải tiến hành khôi phục lại dữ liệu.

Báo cáo của CyStack cũng đưa ra nhận định hacker là người Việt, khi một số câu lệnh viết nhầm “w” thành “ư”. Ngoài ra, người này được cho là đã “gửi đe dọa tống tiền 5 triệu USD tới Onus thông qua Telegram”. Tuy nhiên, vndcio không bình luận về việc này.

Log4Shell là lỗ hổng được tìm thấy trong file log4j, tập tin ghi lại nhật ký hoạt động (log) của các ứng dụng thường dùng để truy vết lỗi. Đến nay, hầu hết các hệ thống bảo mật đều có một file nhật ký như vậy. Log4j nằm trong phần mềm mã nguồn mở do Apache phát hành và được sử dụng trên hàng loạt máy chủ khắp thế giới.

Vụ rò rỉ dữ liệu Onus là một trong những sự cố có quy mô lớn nhất liên quan đến lỗ hổng Log4Shell tại Việt Nam được công khai. Onus tiền thân là ứng dụng ví VNDC, được nhiều người Việt sử dụng để đầu tư như tiền điện tử hoặc chứng khoán. Theo đại diện đơn vị này, ứng dụng Onus có hơn 2 triệu người sử dụng, trong đó 80% là người Việt. Khoảng 700 nghìn người đã KYC – tức cung cấp ảnh hộ chiếu, căn cước công dân, ảnh hoặc video để để xác minh danh tính. Vụ tấn công khiến dữ liệu của người dùng như tên, email, số điện thoại, địa chỉ, KYC, mật khẩu mã hóa, lịch sử giao dịch… bị đánh cắp. Tài sản của người dùng được khẳng định là không bị ảnh hưởng.

(vnexpress)