Mỹ sắp ra đòn quyết định với bán dẫn Trung Quốc

Mỹ dự kiến ban hành bộ quy tắc mới nhằm chặn khả năng Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến trong sản xuất chip hoặc máy tính.

Theo Washington Post, Quy tắc trực diện về sản phẩm nước ngoài (FDPR – Foreign Direct Product Rule), mở rộng phạm vi ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ, sẽ được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua trong tuần này.

FDPR quy định, các công ty ở bất kỳ đâu trên thế giới sẽ không được phép bán chip máy tính hoặc các công nghệ bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nếu trong sản phẩm đó có công nghệ Mỹ. Nếu muốn, họ phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để được xem xét.

Quy tắc mới cũng áp dụng cho đa dạng lĩnh vực hơn, gồm chip xử lý trong siêu máy tính và các loại chip cho hệ thống trí tuệ nhân tạo. Điều này cũng hạn chế việc Trung Quốc dùng các công nghệ Mỹ để phục vụ mục đích quân sự, như phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa siêu thanh và hệ thống phòng thủ tên lửa.

3322 1664960235
Các tấm silicon cho sản xuất chip tại một nhà máy chất bán dẫn ở Malta. Ảnh: Washington Post

Giới chuyên gia đánh giá, FDPR sẽ là biện pháp thương mại đặc biệt khắc nghiệt và tác động sâu rộng nhất từ trước đến nay, vì quy tắc này áp đặt các hạn chế không chỉ đối với các nhà sản xuất chip ở Mỹ mà với bất kỳ công ty hoặc nhà máy nào trên thế giới dùng thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ.

“Hầu như không một sản phẩm bán dẫn nào trên hành tinh này hoàn toàn không được sản xuất bằng các công cụ của Mỹ hoặc được thiết kế bằng phần mềm có nguồn gốc từ Mỹ”, Washington Post bình luận.

Nếu FDPR được thông qua, các công ty Trung Quốc dự kiến bị cắt đứt hoàn toàn quyền tiếp cận các công nghệ chip trên tiến trình 14 nm trở xuống. “Những gì Mỹ đang làm tạo nên sự khác biệt trong 30 năm qua, khiến khả năng vượt Mỹ của Trung Quốc càng xa vời”, Eric Sayers, CEO công ty tư vấn an ninh quốc gia Beacon Global Strategies, đánh giá.

Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics, cho rằng hạn chế mới sẽ khiến Trung Quốc bị tác động đáng kể trong tham vọng tự chủ bán dẫn. “Các công ty trong nước, nhất là các doanh nghiệp chip lớn sẽ bị tổn thương mạnh mẽ”, Wang nói.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các công ty Mỹ làm ăn với đối tác Trung Quốc cũng gặp trở ngại. CEO công ty của Mỹ tiết lộ, mọi thứ sẽ “thực sự khó khăn”. “Chúng tôi đã nhận được thông báo từ chính quyền, rằng họ muốn chúng tôi nên tìm kiếm các khách hàng bên ngoài Trung Quốc”, người này nói.

Ngoài FDPR, một nguồn tin cho hay chính quyền Tổng thống Biden dự kiến đưa nhiều công ty Trung Quốc khác vào Danh sách thực thể thời gian tới. Trước đó, Huawei là một trong những doanh nghiệp bị tác động nặng nề nhất sau khi bị liệt vào danh sách này.

Nhà Trắng và Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận.

Thời gian qua, Mỹ liên tục đẩy mạnh việc ngăn cấm công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ. Gần đây nhất, hai hãng card đồ họa lớn nhất thế giới Nvidia và AMD xác nhận họ được yêu cầu phải giấy phép mới từ chính phủ Mỹ đối với các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tương lai. Với Nvidia, quy định được áp dụng cho hai sản phẩm A100 và H100, là các bộ xử lý đồ họa hiệu năng cao dùng trong doanh nghiệp. Trong khi với AMD, lệnh hạn chế được áp dụng với sản phẩm MI250.

Ngoài ra, bất cứ sản phẩm nào của các hãng trong tương lai nếu có hiệu suất bằng hoặc lớn hơn cũng sẽ cần giấy phép từ chính phủ Mỹ. Theo Reuters, đây là bước leo thang của Mỹ trong việc giảm năng lực công nghệ của Trung Quốc. “Nếu không có chip từ các công ty Mỹ như Nvidia và AMD, các tổ chức Trung Quốc sẽ không thể đảm bảo hiệu quả về chi phí khi triển khai các hệ thống máy tính tiên tiến để nhận dạng hình ảnh, giọng nói và một số tác vụ khác”, trang này nhận định.

(VnExpress)