Hãng chip Trung Quốc có thể đang giấu bài

Nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC được cho là đã sản xuất thành công chip 7 nm, nhanh hơn cả TSMC, nhưng không công bố.

Công ty chuyên về phân tích công nghệ và sở hữu trí tuệ TechInsight phát hiện thành tựu này của SMIC vào tháng trước, sau khi mổ xẻ bộ vi mạch khai thác Bitcoin MinerVa sử dụng chip của SMIC. Hôm 29/8, TechInsight tiếp tục công bố báo cáo nghiên cứu chuyên sâu và khẳng định sản phẩm của SMIC là một chip 7 nm thực sự.

Đáng chú ý, sản phẩm có thể đã được sản xuất từ tháng 7/2021. Tuy nhiên, trong các báo cáo tài chính, SMIC cũng không đề cập thông tin gì liên quan đến chip 7 nm của mình, bất chấp đây là một trong những dấu mốc quan trọng nhất với một công ty chip. Theo các tài liệu được hãng công khai, công nghệ tiên tiến nhất mà họ đạt được hiện tại là 14 nm, trong khi các sản phẩm chính vẫn là các chip công nghệ cũ với tiến trình 28 nm.

SCMP cho biết đã liên hệ nhưng SMIC từ chối bình luận về thông tin trên.

smic 2 4215 1661798351
Người đi bộ ngang qua trụ sở SMIC tại Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg

TechInsight đánh giá SMIC đã đạt được “sự trưởng thành về công nghệ”. Các Standard cells – phần tử logic cơ bản dùng để thiết kế bán dẫn của SMIC được cho là có thể sánh ngang với các xưởng đúc hàng đầu trên thế giới như TSMC, Samsung và Intel. Hãng cũng chỉ mất khoảng hai năm để nâng cấp từ tiến trình 14 nm lên 7 nm. Trong khi đó, TSMC từng mất 3 năm và Samsung mất 5 năm để đạt được kết quả tương tự.

Theo các nhà phân tích, việc sản xuất được chip 7 nm là một thành tựu bất ngờ của SMIC, trong bối cảnh họ không được tiếp cận các thiết bị và công nghệ tiên tiến nhất của phương Tây. Do nằm trong danh sách thực thể của Mỹ, hãng chip Trung Quốc không thể sử dụng hệ thống in thạch bản cực tím sâu (DUV) của ASML – vốn là điều kiện quan trọng để sản xuất các chip công nghệ cao.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng họ có thể vượt qua được rào cản này nhờ việc chiêu mộ Liang Mong Song, chuyên gia hàng đầu trong ngành bán dẫn và từng là giám đốc điều hành tại TSMC. Các quy trình công nghệ và thiết kế trong chip 7 nm của SMIC có nhiều điểm tương đồng với TSMC, theo phát hiện của TechInsight.

Arisa Liu, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nhận định “việc SMIC làm chủ công nghệ chip 7 nm có thể sẽ kích hoạt thêm những lệnh hạn chế của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của ngành bán dẫn Trung Quốc”.

Sau khi bị đưa vào danh sách hạn chế của Mỹ vào tháng 12/2020, công ty chip lớn nhất Trung Quốc không thể sử dụng những công nghệ mới có nguồn gốc từ Mỹ. Lệnh trừng phạt nhằm cản trở Trung Quốc phát triển các dòng chip dưới 10 nm, vốn được dùng nhiều trên các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính. Điều này khiến SMIC phải chuyển trọng tâm sang công nghệ 28 nm. Mới đây, hãng chip Trung Quốc cho biết đang đầu tư 7,5 tỷ USD để phát triển một dây chuyền sản xuất các tấm wafer 12 inch.

(vnexpress)